Ngày 22/3, Trường Đại học Công nghệ Đông Á đã tổ chức Hội nghị đối thoại sinh viên năm học 2024 – 2025 dưới sự chủ trì của TS. Đinh Văn Thành – Hiệu trưởng Nhà trường. Còn có, các thầy cô trong Ban Giám hiệu, Trưởng/phó các Phòng/Ban, Khoa/Viện và đại diện sinh viên các lớp trong Nhà trường tham dự, trao đổi và đóng góp ý kiến.

Hội nghị Đối thoại Sinh viên là diễn đàn quan trọng và cởi mở, là cầu nối giữa sinh viên và Nhà trường cùng nhau trao đổi, đối thoại trực tiếp những kết quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại và cùng đề xuất giải pháp mang tính xây dựng. Hội nghị cũng là nơi sinh viên được nói lên tiếng nói của mình và cùng Nhà trường tìm ra những giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng học tập và đời sống sinh viên.

Tại hội nghị, các bạn sinh viên đại diện các lớp đã tích cực đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến liên quan đến nhiều lĩnh vực như chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, chế độ chính sách hỗ trợ sinh viên, hoạt động ngoại khóa và thực tập doanh nghiệp. Một số câu hỏi nổi bật được đưa ra thảo luận như:
– Sinh viên ngành CNKT ô tô khoá 13, 14 mong muốn sẽ được thực hành thực tế nhiều hơn ở các môn chuyên ngành?
Trả lời vấn đề này, Trưởng khoa Cơ khí TS. Lại Năng Vũ đã phân tích số liệu cụ thể và cho biết: Nếu chỉ tính học ngành, chuyên ngành thời gian thực hành của sinh viên toàn khóa hiện tại là 47,2%. So với các trường Đại học có ngành Cơ khí hiện nay, trường Đại học Cơ khí/ĐH Bách khoa; trường ĐH Giao thông vận tải… thì thời lượng thực hành nghề chiếm 30-35%. Còn các trường ĐH CN Thái nguyên; trường ĐH Sư phạm KT Hưng Yên; ĐH Sư phạm KT TP HCM thì thời lượng thực hành nghề tương đương hoặc cao hơn một chút khoảng 50%.
“Có thể nói, sinh viên ngành Cơ khí trường Đại học Công nghệ Đông Á bên cạnh trang bị kiến thức lý thuyết, thì thời gian thực hành là một phần quan trọng không thể thiếu trong thời gian đào tạo tại Nhà trường. Đặc biệt, cơ sở vật chất ngành rất hiện đại và mở thêm nhiều học phần thực hành thực tiễn cao như Thực hành Gia công cơ khí về kỹ năng thực hành sửa chữa thân, vỏ ô tô. Đây là nội dung đào tạo rất thực tế, đáp ứng đúng nhu cầu các doanh nghiệp sửa chữa và bảo dưỡng ô tô và trường Đại học Công nghệ Đông Á là trường đại học đầu tiên đưa vào chương trình đào tạo sinh viên”, Ts. Lại Năng Vũ chia sẻ.

– Chương trình đào tạo của ngành CNKT điều khiển và tự động hoá có những môn học bắt buộc và tự chọn nào? Chương trình đào tạo hiện tại có đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của ngành nghề không?
Phó trưởng khoa Điện – Điện tử Ts. Trần Hữu Phúc trả lời: Chương trình đào tạo hiện tại hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của ngành nghề. Minh chứng cho vấn đề này khi biên soạn, xây dựng chương trình đào tạo, đối chiếu chương trình các học phần Khoa đã đối sánh với các Trường đại học có cùng chuyên ngành như ĐHCN Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Bách khoa Hà Nội … lấy ý kiến phản hồi từ các bên liên quan: người học, cựu người học, giảng viên, chuyên gia và nhà sử dụng lao động. Ngoài ra tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp trên 90%, các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đánh giá cao về chất lượng đào tạo kỹ sư của Khoa và Nhà trường như: Canon, Brother, Samsung, LG Display, tập đoàn KHKT Hồng Hải (Foxconn), Goertek, Luxshare, Viettel …
– Nhóm vấn đề: Cơ sở nhà trường có được nâng cấp thường xuyên không? Vấn đề mượn đồ dùng hỗ trợ giảng dạy gặp nhiều khó khăn nhất là lúc vào đợi ký sổ phải xếp hàng rất lâu làm muộn giờ học có cách nào để khắc phục hiệu quả và nhanh chóng điều này không ạ?
Chịu trách nhiệm trả lời nhóm vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Kim Quyên – Trưởng phòng Hành chính cho biết: Nhà trường luôn có kế hoạch bảo trì và thay thế các thiết bị giảng dạy cũng như các trang thiết bị trong trường khi cần thiết. Trường sẽ kiểm tra và thực hiện sửa chữa, nâng cấp các trang thiết bị kịp thời để đảm bảo trải nghiệm học tập của các em tại trường được tốt hơn.
“Nếu các em phát hiện thiết bị nào bị hỏng, các em có thể phản ánh thông qua phòng công tác sinh viên hoặc qua hòm thư góp ý cũng như mã qr phản ánh cơ sở vật chất được dán ở các phòng học tại các tòa nhà để nhà trường có thể triển khai bảo dưỡng, sửa chữa trong thời gian sớm nhất”, ThS. Nguyễn Thị Kim Quyên chia sẻ.
Về vấn đề đợi ký sổ phải xếp hàng rất lâu làm muộn giờ học, Trưởng phòng Hành chính nhấn mạnh: Trường hiểu rằng việc xếp hàng chờ ký sổ có thể gây bất tiện. Hiện tại, trường đang nghiên cứu phương án tối ưu hóa quy trình mượn thiết bị, có thể là đăng ký trực tuyến hoặc bố trí thêm điểm mượn thiết bị tại từng tòa nhà để thuận tiện hơn.
Còn rất nhiều câu hỏi được sinh viên trao đổi tại Hội nghị đối thoại sinh viên xoay quanh:
– Chất lượng giảng dạy và cập nhật chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
– Tăng cường cơ hội thực tập, hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng thực tế cho sinh viên.
– Cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, đặc biệt là thư viện, phòng thí nghiệm và hệ thống wifi trong khuôn viên trường.
– Mở rộng các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ sinh viên nhằm tạo môi trường phát triển toàn diện cho sinh viên.
– Chính sách hỗ trợ học phí, học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi ý kiến đóng góp của các em sinh viên không chỉ là sự phản ánh thực tế học tập và sinh hoạt mà còn là tiền đề quan trọng giúp Nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện môi trường học tập và đời sống sinh viên.
Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đều được chia sẻ một cách cởi mở, thể hiện sự tôn trọng từ hai bên giữa Nhà trường và sinh viên, hướng tới mục tiêu xây dựng cho trường Đại học Công nghệ Đông Á ngày càng phát triển, thân thiện và đáng tự hào hơn.
Trường Đại Học Công Nghệ Đông Á
Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0243.555.2008 hoặc 024.2236.5888
Email: tuyensinh@eaut.edu.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/dhcnDongA/