Đại diện Bộ GD-ĐT: Điểm xét tuyển ĐH năm nay có thể nhỉnh hơn năm trước

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao, bài đạt điểm 8 trở lên nhiều, nên nguồn tuyển cho các trường dồi dào. Vì thế, điểm chuẩn nhìn chung sẽ nhỉnh hơn năm trước.

Sáng nay, 29.7, trao đổi với báo chí về nguồn tuyển sinh trình độ ĐH cho các trường ĐH năm nay, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT chia sẻ: như thông tin Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng ở nhiều môn thi. Trong đó, số lượng bài thi đạt điểm cao cũng tăng thêm khá nhiều ở các môn như tiếng Anh, văn, giáo dục công dân, sinh học…

Điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm trúng tuyển) của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm của các môn thi THPT là thành phần của tổ hợp xét tuyển), chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành hay một chương trình đào tạo.

Như vậy, kết quả thi tốt nghiệp THPT là một yếu tố quan trọng tác động vào mặt bằng điểm chuẩn trên cả nước. Năm nay, với việc điểm trung bình cao, số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, dải điểm rộng hơn nên việc xét tuyển sẽ thuận lợi hơn ở chỗ các trường sẽ thuận lợi trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Theo quan sát của của chúng tôi, năm nay các trường thuộc các nhóm tuyển sinh khác nhau đều không gặp khó khăn do ít hay thiếu thí đăng ký xét tuyển.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT

Ngoài việc điểm một số môn thi cao hơn so với năm 2020, thì việc các trường ĐH đã dành lượng chỉ tiêu tương đối cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỉ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm nhất định. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ có thể nhỉnh hơn các năm trước.

* Vậy áp lực cho việc tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT có tăng lên không khi mà chỉ tiêu dành cho phương thức này thấp hơn các năm, thưa bà?

– Bà Nguyễn Thu Thủy: Với xu thế tự chủ tuyển sinh hiện nay, ngày càng nhiều cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh riêng, hoặc tham gia tuyển sinh theo nhóm, nên tỷ lệ chỉ tiêu dành cho đối tượng xét tuyển bằng điểm thi THPT sẽ giảm so với các năm trước là tất yếu và đã nằm trong lộ trình biết trước.

Trong đề án tuyển sinh đăng tải trên trang web của trường, cơ sở đào tạo đã công bố các phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh bằng học bạ, thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng… bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi THPT. Thực tế, có nhiều học sinh đã đạt điều kiện cần để trúng tuyển ĐH trước khi thi tốt nghiệp THPT (chỉ cần tốt nghiệp THPT là các em đạt điều kiện đủ để nhập học). Với sự minh bạch thông tin này, thí sinh được chuẩn bị trước về tâm lý và nhiều em đủ điều kiện đã có lựa chọn về trường và ngành học tập cho mình ngay từ đầu, do đó việc trúng tuyển không còn phụ thuộc nhiều vào điểm thi THPT.

Thống kê cho thấy, năm 2021, các trường dành chỉ tiêu xét tuyển cho các phương thức khác nhiều hơn các năm, tuy nhiên, việc xét tuyển theo phương thức khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chỉ tiêu, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, chất lượng nguồn tuyển, số thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học…

Nguồn tuyển sinh là hữu hạn, thí sinh xét tuyển bằng phương thức khác đã trúng tuyển và xác nhận nhập học thì không tham gia xét tuyển ở các trường khác. Các trường phải nhập danh sách các thí sinh đã xác nhận nhập học lên hệ thống. Các thí sinh này sẽ không tham gia để xét tuyển đợt 1 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và đương nhiên các thí sinh này không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT.

Những lý do trên sẽ giảm bớt áp lực xét tuyển đại học bằng điểm thi THPT, dù chỉ tiêu dành cho phương thức này giảm đi so với các năm trước.

* Thí sinh cho rằng mức độ khó – dễ quá chênh lệch giữa các môn trong tổ hợp sẽ gây khó khăn cho thí sinh trong việc đổi nguyện vọng, bà đánh giá thế nào về điều này?

– Quy định xét tuyển của các trường là rất đa dạng và nhiều lựa chọn. Các trường đều quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp xét tuyển trong một ngành. Một số trường quy định chi tiết độ lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Vì vậy, rất khó có một định hướng chung cho việc lựa chọn tổ hợp nào để ưu tiên đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, quy chế chuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (mỗi tổ hợp vào một ngành là một nguyện vọng). Các trường căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự nguyện vọng để xét tuyển (trừ trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách). Vì vậy thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Để có lợi thế, các em nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi đạt điểm cao khi tham gia xét tuyển.

Với việc áp dụng CNTT trong xét tuyển sinh, thí sinh có nhiều cơ hội (nhiều lần) để thay đổi nguyện vọng một cách phù hợp, chính xác nhất dựa trên kết quả thi THPT của mình.

* Liệu phổ điểm thi tiếng Anh năm nay sẽ gây khó trong tuyển sinh và xác định điểm chuẩn ở các khối A01 và D01 không?

– Về nguyên tắc, các trường luôn xét tuyển để lựa chọn các thí sinh có điểm từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Hiện phần mềm cũng hỗ trợ các trường trong quy định mức điểm trúng tuyển đối với từng tổ hợp trong một ngành, hoặc các chỉ tiêu trong từng ngành. Căn cứ vào phổ điểm của các khối thi và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, bằng kinh nghiệm của mình, các trường hoàn toàn có thể xem xét, cân nhắc và quyết định độ lệch điểm giữa các tổ hợp và chỉ tiêu tuyển sinh giữa các tổ hợp.

Theo Báo Thanh Niên (https://thanhnien.vn/giao-duc/dai-dien-bo-gd-dt-diem-xet-tuyen-dh-nam-nay-co-the-nhinh-hon-nam-truoc-1422179.html)

NỘP HỒ SƠ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *