Với mong muốn đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Ngày 01/4, khoa Nhiệt – Điện lạnh Trường Đại học Công nghệ Đông Á đã tổ chức Hội thảo Đào tạo Kỹ sư thực hành ngành Kỹ thuật Nhiệt – Điện lạnh.
Tham dự Hội thảo có Gs.Ts Đinh Văn Thuận – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ Đông Á, Ts. Đinh Văn Thành, Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.Ts. Trần Gia Mỹ – Trưởng Khoa Nhiệt – Điện lạnh, cùng toàn toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa.
Về phía các chuyên gia có:
- PGs.Ts Trần Thanh Sơn, Trưởng khoa Nhiệt – Điện lạnh, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng
- Ts. Phạm Thế Vũ, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Nhiệt, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Ts. Nguyễn Quốc Uy, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Nhiệt, Trường Đại học Điện lực
- Ts. Lê Như Chính, Bộ môn Kỹ thuật Nhiệt, Trường Đại học Nha Trang
- Ths. Hoàng Mai Hồng, Bộ môn Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
- PGs.Ts Trương Ngọc Tuấn, Th.S Đặng Thị Bình, Bộ môn Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
- Ts. Phan Thị Thu Hường, Phó Trưởng bộ môn Kỹ thuật Nhiệt -Lạnh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định
- Ts. Nguyễn Chiến Thắng, Th.S Nguyễn Văn Thạo, Viện Năng lượng
Cùng đại diện của các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Daikin Việt Nam, Công ty TNHH LG Việt Nam và Công ty cổ phần cơ điện Meco Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo không gian kết nối, và chia sẻ ý kiến giữa nhà trường với các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, giảng viên đang đảm nhận trọng trách đào tạo ngành Kỹ thuật Nhiệt – Điện lạnh từ các Đại học, Trường Đại học, Viện nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến thực trạng, định hướng, giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật Nhiệt – Điện lạnh.
Nội dung của buổi Hội thảo tập trung làm rõ 4 chuyên đề:
- Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo kỹ sư thực hành kỹ thuật nhiệt-điện lạnh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
- Xây dựng cơ sở vật chất và các bài thí nghiệm-thực hành thiết yếu theo chương trình đào tạo kỹ sư thực hành trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
- Các giải pháp sư phạm để biến những sinh viên vào ngành với điểm đạt sàn thành những kỹ sư thực hành ra trường đạt chuẩn.
- Những khó khăn và thách thức của kỹ sư nhiệt mới ra trường khi làm việc cho doanh nghiệp trong & ngoài nước và định hướng hợp tác trong quá trình đào tạo trong tương lai.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.Ts. Trần Gia Mỹ – Trưởng Khoa Nhiệt – Điện lạnh cho biết, hướng tới mục tiêu chiến lược của Trường Đại học Công nghệ Đông Á “Đào tạo nguồn nhân lực phát triển toàn diện về kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp” trên nền tảng triết lý giáo dục “Học để biết, để làm và để thay đổi”, khoa Nhiệt – Điện lạnh đang cùng phấn đấu thực hiện tốt sứ mạng “Đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội, nghiên cứu khoa học theo định hướng ứng dụng và chuyển giao tri thức, phục vụ sự phát triển của đất nước”.
“Để có thể thực hiện tốt sứ mạng của Trường nói chung và của ngành Kỹ thuật Nhiệt nói riêng, chúng tôi rất mong được nghe các ý kiến, kinh nghiệm về công tác đào tạo kỹ sư thực hành từ các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, giảng viên đang đảm nhận trọng trách đào tạo ngành Kỹ thuật Nhiệt – Điện lạnh”, PGS.Ts. Trần Gia Mỹ bày tỏ mong muốn.
Sau bài phát biểu đề dẫn và phần trình bày của PGS.Ts. Trần Gia Mỹ, các bài tham luận của các chuyên gia nhà khoa học về chương trình đào tạo của Khoa và Nhà trường.
Ts.Phạm Thế Vũ, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Nhiệt, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng: Cần điều chỉnh chương trình đào tạo dựa trên chương trình giáo dục phổ thông mới và khung năng lực số, đón đầu thế hệ HS tốt nghiệp THPT năm 2025 được học theo CTGD mới, HS đã có sẵn về năng lực số. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của giảng viên về kỹ năng khai thác và sử dụng tài nguyên GD mở, kỹ năng xây dựng bài giảng điện tử, năng lực giảng dạy thực hành, kỹ năng khai thác và ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong các HP về thiết kế và vận hành hệ thống lạnh… Đồng thời, xây dựng cơ sở vật chất và kế hoạch học tập trải nghiệm.
Ts. Nguyễn Quốc Uy, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nhiệt, Trường ĐH Điện lực cho rằng nhận định chương trình đào tạo kỹ sư Nhiệt – Điện lạnh của Trường ĐH Công nghệ Đông Á đáp ứng yêu cầu của thực tế đào tạo. Tuy nhiên để chương trình ngày càng tốt hơn cần: Tăng thêm tính linh hoạt của Chương trình, giúp người học có nhiều lựa chọn hơn, nên bổ sung thêm một số học phần tự chọn (kể cả cho các khối kiến thức giáo dục đại cương và cơ sở ngành); nên bổ sung thêm thời lượng thực hành cho một số học phần (ví dụ Đo lường nhiệt: các bài thực hành đo nhiệt độ, đo áp suất, đo mức, đo độ ẩm; Khí cụ điện: các bài thực hành lắp nối khí cụ điện); Tăng cường kết hợp thực hành trên mô hình (phòng thực hành thực tế ảo) với thực tập ở các cơ sở sản xuất; đa dạng hóa các hình thức giảng dạy và kiểm tra, đánh giá (chủ yếu áp dụng cho các học phần lý thuyết), kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến.
Ts. Nguyễn Đăng Khoát, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội đã đưa ra 4 giải pháp sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo gồm: Cung cấp cho sinh viên thông tin về ngành Kỹ thuật nhiệt, Tọa đàm về phương pháp học ở bậc Đại học, Phát huy vai trò của cố vấn học tập, Hợp tác đào tạo giữa Nhà trường và doanh nghiệp. TS. Nguyễn Đăng Khoát cũng cho rằng nâng cao chất lượng đào tạo cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố như: Mặt bằng tuyển sinh đầu vào, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, hoạt động dạy và học và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp; nhưng hơn hết, để có được thành công thì sinh viên nhất thiết phải có sự quyết tâm học hỏi, vượt qua những khó khăn, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc, phẩm chất đạo đức và rèn luyện sức khỏe.
Về những khó khăn và thách thức của kỹ sư nhiệt vừa ra trường khi làm việc cho công ty Việt Nam, Th.S Nguyễn Văn Thạo, Viện Năng lượng đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại cần khắc phục như: Thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu kiến thức pháp luật, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc theo nhóm, độc lập còn yếu; kỹ năng thuyết trình, trình bày báo cáo chưa đáp ứng; thiếu kinh nghiệm thực tế, trình độ ngoại ngữ còn yếu. Do vậy, với các kỹ sư nhiệt trong quá trình học tại trường đại học nên dành thời gian nghiên cứu học tập trao dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để vượt qua các khó khăn và thách thức. Về phía Trường đại học xem xét mở rộng các chương trình đạo tạo nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng cho các kỹ sư. Trường đại học xem xét phối hợp với các tổ chức, các chuyên gia đến từ các đơn vị khác nhau tham gia đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Trường đại học bố trí cử các kỹ sư đến thực tập tại các tổ chức/công ty có chuyên ngành và thời gian phù hợp để các kỹ sư có thể tiếp thu thêm các kiến thức chuyên môn và nâng cao kinh nghiệm thực tế, các kỹ năng làm việc…
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.Ts. Trần Gia Mỹ gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu đã dành thời gian tham dự hội thảo và chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tiễn. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, Nhà trường và Khoa Nhiệt – Điện Lạnh sẽ bổ sung, chỉnh sửa, đề xuất hướng xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo Kỹ sư Nhiệt – Điện lạnh đáp ứng chuẩn đầu ra, thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng của Nhà trường, Khoa đào tạo và trên hết là người học sau khi thực hiện xong chương trình đào tạo phát huy năng lực bản thân, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: